Công nghệ không chỉ làm thay đổi cách chơi gôn mà còn thay đổi cả diện mạo của môn thể thao này. Với một môn thể thao khi mà công năng phải gắn liền với phong cách chơi thì chính yêu cầu về hình thức thể thao của vận động viên đã làm trang phục gôn phát triển từ trang trọng và thanh nhã trước đây đến những thiết kế thoải mái và thuận tiện hơn cho thi đấu như hiện nay. Tuy nhiên, xu hướng chung của trang phục gôn vẫn là gọn gàng, điều này thể hiện từ mẫu áo vét ba mảnh của Tommy Armour cho đến những bộ trang phục bóng mượt theo kiểu Burberry của Adam Scott.
Ngay từ khi môn gôn xuất hiện trên những cồn cát lộng gió ở Scotland thì những người chơi gôn đã ăn mặc theo phong cách của những bậc tiền bối ở Scotland. Ở thời kỳ đầu, đàn ông mặc những loại quần ngắn đến đầu gối có nguồn gốc từ triều phục của nước Anh, họ thường mặc cùng áo vải tuýt-si dày và thậm chí với cả áo gi-lê bên trong. Áo vải tuýt-si dày giữ ấm tốt bảo vệ cho người chơi khỏi sự khắc nghiệt của thời tiết, nhưng lại bất tiện khi xoay vai. Người chơi gôn cũng mặc cả áo sơ mi cổ cứng và mang cà vạt. Thêm đôi giày cứng và mũ vải là hoàn chỉnh bộ trang phục chơi gôn.
Những năm 20
Mặc dù đã trở nên phổ biến trong công chúng nhưng gôn vẫn là một môn thể thao quý tộc. Những người giàu muốn nổi bật hơn những người bình dân nên họ rất chú trọng đến phong cách ăn mặc. Những tay gôn sành điệu khi đó thường mặc những chiếc quần chẽn gối thụng, những đôi tất sọc dài, giày hai màu cùng với áo sơ mi và cà vạt. Những chiếc áo dệt kim thường được mặc trong những ngày lộng gió, khi trời giá lạnh thì sẽ là áo vét Norfolk.
Những năm 30
Vào những năm 1930, những người đánh gôn thay những chiếc quần thụng lửng bằng kiểu quần tây thông dụng, thường màu trắng hay xám. Sự thay đổi này mang tính thực dụng vì nhiều người từ công sở tới thẳng sân gôn. Những người chơi gôn cũng bắt đầu bỏ không đeo cà vạt. Giải US Open năm 1933 diễn ra trong điều kiện thời tiết nóng gay gắt, đã khơi nguồn cảm hứng cho những loại quần áo nhẹ nhàng thay vì những bộ đồ trang trọng như trước, mặc dù vậy Walter Hagen và Gene Sarazen vẫn tiếp tục đeo cà vạt lụa mỏng. Những loại tạp chí phong cách đàn ông dành nhiều trang ca ngợi phong cách của Bobby Jones.
Những năm 40
Trang phục gôn đã chuyển qua dạng đồng phục thể thao như ngày nay: áo thun tay ngắn với đuôi áo dài, những loại quần mặc thường ngày với vải nhẹ và đủ loại màu, giày cứng có đinh. Những chiếc áo vét lửng, lấy nguồn cảm hứng từ chiếc áo khoác Eisenhower thời chiến tranh thế giới thứ hai đã xuất hiện trên sân gôn. Với chất liệu từ vải cotton không thấm nước, áo có vai rộng thuận tiện cho những cú swing mạnh mẽ. Quần soóc bắt đầu được chấp nhận, thường là màu nâu hay vàng nhạt và cũng có cả những loại quần soóc ca-rô kiểu Bermuda. Những loại áo len dệt kiểu vỏ sò với tay áo có hình như quả chuông làm cho swing dễ dàng hơn cũng bắt đầu thịnh hành ở thời kỳ này.
Những năm 50
Trong những năm 50 khi trang phục gôn chuyển sang phong cách màu sắc rực rỡ thì những người đàn ông trong những bộ vét màu xám trước đây dần biến thành những con công sặc sỡ. Những chiếc áo Lacoste loại dành cho tennis được kết hợp với những chiếc quần dài và quần soóc màu mè, đã mở ra một thời kỳ mà trang phục gôn luôn là đề tài cho những câu chuyện cười không có hồi kết. Tuy nhiên, sự nổi lên của Arnold Palmer đã thay đổi diện mạo của môn chơi này. Với hình thể đầy cơ bắp, những chiếc áo thun cotton, những chiếc quần vải nâu mỏng và giầy cổ thấp đã làm nổi bật lên dáng thể thao hấp dẫn của vị Vua gôn.
Những năm 60
Gam màu “hoang dã” của những năm 50 được bổ sung những chất liệu mới, đặc biệt là vải nilon và vải sợi tổng hợp với ba màu chính là nâu, cam và vàng. Các loại áo thun và áo gió thống trị thời kì này. Trang phục trong sân gôn và ngoài đường phố là ở hai thế giới khác nhau. Những người caddie trông như những gã bụi đời, trong khi người chơi gôn thì trông như Tom Jones đang ăn chơi ở Vegas. Một ngoại lệ đáng chú ý là Chi Chi Rodriguez với dáng mảnh khảnh, lòng khòng và lạnh lùng. Doug Sanders, một gôn thủ hợp thời trang thường hay mang tất có cùng tông với màu áo của mình, và được mệnh danh là con công của sân gôn. Tay gôn vĩ đại người Nam Phi Gary Player trở nên đáng chú ý vì luôn xuất hiện với màu đen từ đầu tới chân giữa trào lưu “màu sắc nổi loạn”.
Những năm 70
Đây là “điểm đen” trong thời trang gôn, và có lẽ là toàn bộ thời trang của nước Mỹ cũng thế. Người đánh gôn mặc những chiếc quần màu tím, đỏ tươi, xanh lá cây đậm, những màu chỉ có thể mặc được ở sân gôn, phối hợp với màu tương tự như nâu của vải tổng hợp và vàng cam của vải nylon. Như ở trong văn phòng, đàn ông mặc áo cổ cao trên sân gôn. Loại vải dệt kiểu ca rô trở thành thời trang gôn thịnh hành những năm 70, cả quần lẫn áo. Sự xuất hiện của gôn trên TV đã làm gia tăng sự ảnh hưởng của phong cách từ các tay gôn chuyên nghiệp như Jack Nicklaus và John Miller.
Những năm 80
Kỷ nguyên của Reagan bắt đầu với bộ phim Caddyshack. Phong cách hiếu kỳ, hơi hài song hành với sự hồi sinh niềm yêu thích gôn và đưa gôn trở về với cách ăn mặc truyền thống, cùng với vòng xoay của công nghệ: những sợi vải co dãn được, áo thun với vải hút ẩm, và da không thấm nước. Năm 1989 hãng Footjoy giới thiệu sản phẩm Dryjoys, một loại giày truyền thống với loại da không thấm nước. Một số tay gôn lấn sân sang thiết kế thời trang. Điển hình nhất cho sự nghiệp này là Greg Norman, người đã để lại dấu ấn trên những cái mũ lớn, với những màu sắc đậm nét, và trường phái thời trang “Cá mập” rất riêng biệt.
Những năm 1990
Thời đại mà tài trợ làm thay đổi diện mao của gôn với những người dẫn đầu của môn thể thao này thường rảo bước trên sân với sắc áo và logo của những nhà tài trợ. Những nhà sản xuất quần áo từ Levi’s đến Tommy Hilfiger đã nhảy vào cuộc. Payne Stewart đã làm hồi sinh diện mạo gôn ở Scotland với những chiếc quần lửng bảnh bao và những chiếc áo len sọc ca rô. Với sự dân chủ hóa trong thể thao, xu hướng trang phục đơn giản nổi bật lên với những gam màu “chua”, quần soóc dài và áo thun dài. Fred Couples là hình mẫu đặc trưng cho các tay gôn đang trưởng thành: quần vải kaki xếp li, áo thun polo, mũ vành lưỡi trai. Tất cả đều nhằm mục đích kinh doanh.
Từ năm 2000 cho đến nay
Những yêu cầu về hình thức và tiện dụng của trang phục gôn trở thành một mảnh đất màu mỡ cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và những người nổi tiếng đã mang lại cho trò chơi này một sự mát mẻ mới. Quần áo gôn đã được đầu tư để làm tăng thêm những nét đặc trưng của những yếu tố kỹ thuật: áo thun căng ra với những ô vải khác màu và chất liệu vải giúp chống nắng, quần có những lỗ thông và túi quần có khóa kéo; những loại vải chống ẩm đã cho thời kì “không mồ hôi” một ý nghĩa mới. Những đôi giày gôn đế mềm đã cạnh tranh với những đôi giày kiểu cũ. Những ngôi sao trẻ như Camilo Villegas thích mặc trang phục ôm sát người, màu sắc lèo loẹt trong khi Tiger Woods, Phil Mickelson, Vijay Singh vẫn đơn giản với gam màu sẫm và những chiếc áo rộng nách thuận lợi cho những cú đánh hết tay.