Sân Straits ở Whistling Straits, thuộc khu nghỉ mát Kohler tại Wisconsin, là một thử thách khó tin, một tác phẩm đáng sợ của Pete Dye đã có chỗ đứng trên PGA Tour – và sẽ khiến cho những golfer có handicap trung bình và cao phải “bầm dập”… nhưng hãy cảm ơn vì những trải nghiệm đó.
Đến sân Straits, nổi tiếng hơn sân còn lại của Whistling Straits nằm bên bờ biển Michigan, Wisconsin (Mỹ), bạn sẽ có một trong những vòng gôn đáng nhớ nhất mà mình đã từng chơi – cho dù bạn phải quên đi điểm số cuối cùng của mình ngay ở ngụm bia đầu tiên ở lỗ gôn thứ 19.
Tại sân Straits, một golfer trung bình có thể hy vọng vào một vài cú đánh xuất thần, có thể dẫn đến một cú birdie ngoài mong đợi, và một ngày nắng rực rỡ tô đẹp cho những tấm ảnh của bạn.
Những nhà sáng lập khu nghỉ mát Kohler đã mời kiến trúc sư sân gôn nổi tiếng Pete Dye đến đây trổ tài, họ sẵn sàng mở hầu bao và cho phép ông tự do sáng tạo để làm nên một sân gôn chưa từng có trước đây – và cũng là một thử thách xứng tầm cho các giải đấu chuyên nghiệp danh giá nhất.
Không lâu sau khi khánh thành (năm 1998) Straits được chọn làm nơi tổ chức giải PGA Championship 2004, sau đó là nơi diễn ra giải PGA Championship 2010 và 2015, cũng như Ryder Cup 2020.
Để chuyển từ một khu đất gần như là bằng phẳng của một sân bay bỏ hoang chẳng có nét đặc trưng nào thành một sân gôn độc đáo như ngày nay, những người xây dựng đã phải chuyển hàng trăm ngàn khối đất đá, và biến thành một vùng đất hai tầng mà từ lỗ gôn nào cũng có thể nhìn thấy khung cảnh của hồ Michigan rộng mênh mông giống như biển Ai-Len hay bất kỳ vùng biển nào khác. Sân gôn còn có vô số bẫy cát và những đụn cỏ.
Ngay cả khi có được sự giúp đỡ của caddie và quyển sổ về số liệu khoảng cách trên tay thì sân Straits vẫn tỏ ra đáng sợ về mặt thị giác đối với những ai ‘yếu bóng vía’.
Đối với những golfer đã từng “diện kiến” Straits một vài lần thì có thể không đến nỗi như thế. Thực tế nhà thiết kế Dye bố trí những khu “giải thoát” ở hầu hết các lỗ gôn và nhiều khu bế lỗ có phạm vi mở ở phía trước cho những cú đánh bóng lăn – hoặc những cú đánh trượt lên được green.
Một lý do khác lý giải tại sao tinh thần của bạn bị suy sụp lúc cuối vòng đấu là vì sân gôn càng lúc càng trở nên khó hơn nếu một khi gió nổi lên. Lỗ gôn từ 14 đến 17 đều theo cùng một hướng, và khi hứng gió vào mặt thì khái niệm đánh par thật sự nực cười đối với những golfer có handicap cao.
Lỗ gôn thứ 17 là đỉnh điểm thách thức so với những lỗ gôn trước đó. Khu bế lỗ được bao bọc bên trái bởi dốc đứng sâu khoảng 15 đến 20 feet với bên dưới là một lố những bẫy cát. Bên dưới còn nhiều bẫy cát nữa, kế đến là nước. Phía bên phải cũng không có nhiều chỗ giải cứu, và khoảng green nhỏ này lại được che chắn bằng một đụn cát lớn.
Bất cứ điều gì còn sót lại trong người bạn sẽ nằm trong những thử thách cuối cùng khi bạn hướng lên green của lỗ 18 trước khi bước vào club house. Khu vực tiếp bóng thì nhỏ và được ‘bảo vệ’ xung quanh bởi những hố cát bên phải và những đám cỏ dày bên trái. Cú đánh thứ nhì xuống dốc, qua một con lạch để tiếp cận khu bế lỗ nhiều tầng, đủ lớn để có khu tự trị của riêng mình.